NHẬN THỨC VÀ THỰC HIỆN ĐÚNG PHẢN BIỆN XÃ HỘI

Thời gian gần đây, trên một số trang mạng phản động xuất hiện bài viết “Phản biện” của một blogger với cái tên canhco. Bài viết đã thể hiện một cái nhìn phiến diện, cố tình xuyên tạc ý nghĩa của hoạt động phản biện xã hội ở Việt Nam, lợi dụng vấn đề phản biện để xuyên tạc tình hình đất nước, gây nhiễu thông tin, tạo dư luận xấu trong xã hội. Blogger này, đã xuyên tạc tình hình dân chủ nhất là hoạt động “phản biện” xã hội ở nước ta. Vậy thực tế tình hình đó ở nước ta như thế nào?

1.Nhận thức đúng về phản biện xã hội ở Việt Nam

Chúng ta đều biết phản biện xã hội là một hình thức thể hiện quyền tự do ngôn luận, đã được ghi nhận trong các điều ước quốc tế về quyền con người. Ở Việt Nam, để xây dựng và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, tăng cường sự đồng thuận xã hội, Đảng, Nhà nước luôn nhất quán quan điểm coi phản biện xã hội là công cụ, kênh thông tin quan trọng, không thể thiếu giúp cấp ủy, chính quyền đưa ra các quyết định đúng đắn, hợp lòng dân. Hoạt động phản biện xã hội đã được triển khai có nền nếp, đặc biệt là thông qua hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã góp phần làm sáng tỏ những thành tựu, hạn chế trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên, việc thực hiện chính sách, pháp luật của Chính phủ và chính quyền các địa phương, của các tổ chức. Nhiều kiến nghị sau phản biện đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm nghiêm túc tiếp thu và thực hiện. Thực tế cho thấy, trước mỗi kỳ đại hội Đảng hay trước mỗi lần sửa đổi Hiến pháp, ban hành các đạo luật, tổ chức các sự kiện lớn, những vấn đề hệ trọng của đất nước…, Đảng và Nhà nước ta đều công bố rộng rãi các văn kiện dự thảo, đưa ra quan điểm, chủ trương để lấy ý kiến thảo luận, đóng góp của toàn dân. Đại đa số nhân dân có ý thức trách nhiệm cao, luôn coi mỗi đợt đóng góp ý kiến là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng và hưởng ứng tích cực. Tất cả ý kiến dù đồng thuận hay không đồng thuận đều được cơ quan chức năng tổng hợp báo cáo với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ để xem xét quyết định. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những kẻ lợi dụng phản biện xã hội với động cơ xấu, nhằm phá hoại đất nước, gây chia rẽ Đảng, Nhà nước với nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Chúng ta dễ dàng bắt gặp những “tâm thư”, “thư góp ý”, mượn danh phản biện xã hội được tán phát rộng rãi trên các diễn đàn, kênh thông tin không chính thống thể hiện những ý kiến trái ngược, thậm chí chống đối quan điểm của Đảng, Nhà nước. Phản biện xã hội – từ chỗ là kênh thông tin thể hiện quyền dân chủ, đã trở thành chiêu trò gây ra nhiều thông tin thất thiệt, tuyên truyền xuyên tạc, gây bất ổn trong dư luận, phá vỡ môi trường ổn định để phát triển của đất nước. Mỗi người dân cần hết sức tỉnh táo nhận diện, đấu tranh loại bỏ những thông tin sai trái đó.

2.Để thực hiện phản biện xã hội có hiệu quả

Về bản chất, thực hiện phản biện xã hội là lắng nghe, học tập trí tuệ của nhân dân, để từ đó quay lại phục vụ cho nhân dân. Thực hiện tốt hoạt động này sẽ huy động, cổ vũ, tập hợp sức mạnh của mọi giai tầng xã hội phấn đấu vì mục tiêu lý tưởng “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Do đó, để tiếp tục triển khai thực hiện tốt hoạt động phản biện xã hội ở Việt Nam, thời gian tới, cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp cần quan tâm tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp nhân dân được tiếp cận thông tin, nghiên cứu, thể hiện quan điểm, chính kiến của mình đối với từng nội dung liên quan tới đường lối, chủ trương, chính sách, thể chế… tác động trực tiếp đến quyền lợi của người dân. Cần có biện pháp hiệu quả để định hướng, giúp người dân hiểu đúng về phản biện xã hội, đâu là phản biện xã hội tiêu cực, từ đó đề cao cảnh giác, chủ động phát hiện, kịp thời đấu tranh với những hành vi lợi dụng phản biện xã hội để phá hoại đất nước. Hơn hết, mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động trang bị cho mình những kiến thức cần thiết để thực hiện quyền phản biện xã hội một cách đúng đắn, hiệu quả. Mỗi người, khi tiếp cận với những thông tin, tài liệu, nhất là những nội dung liên quan đến các vấn đề hệ trọng, nhạy cảm của đất nước tán phát trên mạng xã hội, phải cẩn trọng nhận diện rõ thông tin tốt –  xấu; tránh bị cuốn theo những giọng điệu lợi dụng phản biện xã hội để xuyên tạc, kích động chống phá của các thế lực thù địch./.

Bình luận về bài viết này